Nói ngay

Nói ngay


Tôi xin lỗi. Tôi không hiểu.

Tôi xin lỗi. Tôi không hiểu.

Quay lại đầu trang​

Giới thiệu về Sa Đầu Giác

Tọa lạc tại Quận Bắc (Hồng Kông) và sát gần Quận Diêm Điền (Thâm Quyến), thị trấn Sa Đầu Giác trở thành một phần của Vùng Biên Giới Cấm vào năm 1951. Khi khu vực này dần mở cửa, Sa Đầu Giác đã trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những chuyến đi thư giãn cuối tuần. Khám phá những điểm tham quan, đặc sản và trải nghiệm văn hóa hàng đầu mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm thị trấn ở vùng biên giới này.

Top 10 Điểm Tham Quan Tại Sa Đầu Giác

Mũi Sa Đầu Giác

Ở góc đông bắc của Sa Đầu Giác có dựng một cột biển xưa cũ với dòng chữ “Mũi Sa Đầu Giác” cùng với tọa độ đánh dấu vị trí của nơi đây. Trước cột biển này, bạn sẽ tìm thấy một tấm bia đá đề hai dòng thơ: “Mặt trời mọc từ biển (Sa Đầu), / Mặt trăng treo mũi đất (Giác)”. Truyền thuyết kể rằng những câu thơ này được viết bởi một vị quan triều đại nhà Thanh. Vị quan ấy đã bị hớp hồn bởi phong cảnh đẹp như tranh vẽ trong chuyến thị sát bờ biển Quảng Đông này. Kể từ đó, vùng này được gọi là “Sa Đầu Giác”. Hãy đến để phóng mắt ra nhìn toàn cảnh bờ biển Vịnh Sá Đầu (Starling Inlet) hoang sơ, nơi bạn có thể hoàn toàn thư giãn lắng tiếng sóng vỗ dịu êm. Tại đây thời gian dường như ngừng trôi, tương tự như đối với nhà thơ ấy, khi ông rung động trước khung cảnh tráng lệ này..

...Xem thêm

Cầu ngắm biển Sa Đầu Giác

Bạn có biết rằng cây cầu đi bộ ngắm biển dài nhất Hồng Kông nằm ở ngôi làng nhỏ Sa Đầu Giác không? Được xây dựng vào những năm 1960 và cải tạo lại vào năm 2004, cầu ngắm biển Sa Đầu Giác có chiều dài 280 mét và chỉ cách Cát Áo và Ấp Châu khoảng 20 đến 30 phút đi phà. Do vùng vịnh Sa Đầu Giác khá cạn nên cây cầu ngắm biển này phải được mở rộng ra khu vực nước sâu hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tầu thuyền neo đậu. Chính vì vậy, thực tế điểm cập bến của cây cầu được đặt ở giữa đường ra biển.

...Xem thêm

Nhật Nguyệt Vọng Lầu

“Mặt trời mọc từ biển (Sa Đầu), / mặt trăng treo mũi đất (Giác)”. Những câu thơ này khắc họa trọn vẹn khung cảnh ngày và đêm tại Sa Đầu Giác. Vọng lâu Nhật Nguyệt nép mình ở góc vịnh là điểm dừng chân lý tưởng để chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh kỳ vĩ nơi đây. Tại đây, bạn có thể hứng trọn những tia nắng đầu tiên của buổi sớm mai, hòa mình trong không khí trong lành của rừng cây và sóng nước hoặc chứng kiến cảnh hoàng hôn rực rỡ. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc ánh trăng lung linh dát bạc lên mặt nước trong bầu không gian yên bình tĩnh lặng.

...Xem thêm

Quảng trường Ngư Đăng

Dù có diện tích khiêm tốn nhưng Sa Đầu Giác lại có một "kho tàng" di sản văn hóa phong phú. Mặc dù diện tích nhỏ bé, Sa Đầu Giác lại sở hữu một di sản văn hóa phong phú. Điệu múa Ngư Đăng của Sa Đầu Giác có nguồn gốc từ gia đình Hồ thuộc tộc Khách Gia ở làng Sa Lan Hạ (Shalanxia) từ thời kỳ đầu của triều đại nhà Thanh. Với hơn 300 năm lịch sử, nó đã được công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2008. Uyển chuyển như loài cá, điệu múa đăng ngư mô phỏng lại lễ nghi thờ Thiên Hậu của người Khách Gia. Trong tiếng cồng chiêng và trống, các vũ công biểu diễn cầm những chiếc đèn lồng cá, du khách như được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới dưới đại dương đầy sống động. Tại Quảng trường Ngư Đăng bên bờ sông, du khách có thể xem điệu múa này hòa cùng với nhiều tiểu cảnh rực rỡ sắc màu, cũng như các linh vật của LCSD là Bé cún Enggie và Bé mèo Arttie.

...Xem thêm

Trạm cứu hỏa Sa Đầu Giác cũ

Nằm ở giao lộ giữa phố Thuận Long (Shun Lung) và phố Thuận Bình (Shun Ping), Trạm cứu hỏa Sa Đầu Giác cũ hoạt động vào năm 1962 và ngừng hoạt động vào ngày 18 tháng 2 năm 2004 khi một trạm cứu hỏa mới trên phố Thuận Hưng (Shun Hing) được đưa vào hoạt động. Vẫn giữ được nguyên vẹn dáng hình ban đầu, trạm cứu hỏa mang hơi thở lịch sử ngày nay là một địa danh nổi bật của Sa Đầu Giác. Đặc biệt phải kể đến cánh cổng màu đỏ độc đáo của nơi đây ngắn hơn rất nhiều so với những cánh cổng tiêu chuẩn. Mô hình tỉ lệ 1:1 của một chiếc xe đẩy chữa cháy có niên đại hàng trăm năm được trưng bày ngay tại lối vào. Du khách có thể chiêm ngưỡng hiện vật lịch sử này ở khoảng cách thật gần — đây là hiện vật xe đẩy chữa cháy duy nhất được trưng bày ngoài trời ở Hồng Kông.

...Xem thêm

Khu vườn phố Trung Anh

Phố Trung Anh có vị trí đặc biệt quan trọng do nằm ở ngay biên giới. Trong những ngày đầu cải cách và mở cửa của Trung Quốc đại lục, nhu cầu về nguồn cung ở Đại lục rất lớn. Nhiều thương gia Hồng Kông mở cửa hàng tại phố Trung Anh để buôn bán hàng hóa địa phương cho khách hàng đến từ Đại lục. Trong thời gian dài, vì lý do an ninh, chỉ những người có Giấy phép Du lịch Khu vực Cấm và mong muốn an cư hoặc làm việc mới được phép vào phố Trung Anh. Vì lẽ đó, kể cả với người người ở Hồng Kông gốc, phố Trung Anh vẫn là một nơi mang hơi thở xưa cũ và bí ẩn. Tọa lạc phía trước Trạm kiểm soát phố Trung Anh, Khu vườn phố Trung Anh mang đến tầm nhìn toàn cảnh con phố bí ẩn từ đài quan sát. Du khách cũng có thể tìm thấy mô hình đầu máy xe lửa với kích thước như thật được đặt sát bức tường của mô hình nhà ga cũ. Ngoài ra, bạn cũng có thể ước nguyện bằng cách treo những tấm ước nguyện lên lan can của đài quan sát.

...Xem thêm

Phố Bích họa Thuận Bình

Là con phố bên cạnh trạm cứu hỏa cũ, Thuận Bình có nghĩa là mong cầu may mắn và an lành. Dọc con phố này có hai bức tranh tường mô tả nghi thức tạ ơn thần linh - một sự kiện văn hóa truyền thống ở Sa Đầu Giác. Đến nay, cư dân Sa Đầu Giác vẫn tổ chức Lễ hội Thiên Hậu hàng năm và cứ 10 năm lại có một buổi lễ quy mô lớn. Trên mọi mức bích họa nơi đây bạn đều có thể thấy một trong những lễ kỷ niệm đặc biệt nhất - điệu múa thuyền rồng do phụ nữ người Mân Nam biểu diễn.

...Xem thêm

Phố Bích họa Thuận Bình

Là con phố bên cạnh trạm cứu hỏa cũ, Thuận Bình có nghĩa là mong cầu may mắn và an lành. Dọc con phố này có hai bức tranh tường mô tả nghi thức tạ ơn thần linh - một sự kiện văn hóa truyền thống ở Sa Đầu Giác. Đến nay, cư dân Sa Đầu Giác vẫn tổ chức Lễ hội Thiên Hậu hàng năm và cứ 10 năm lại có một buổi lễ quy mô lớn. Trên mọi mức bích họa nơi đây bạn đều có thể thấy một trong những lễ kỷ niệm đặc biệt nhất - điệu múa thuyền rồng do phụ nữ người Mân Nam biểu diễn.

...Xem thêm

Nhà Khuê Ngư

Thôn Sa Đầu Giác được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1988 để làm nhà ở cho những người dân bản địa ở Diêm Liêu Hạ (Yim Liu Ha) và Thái Nguyên Giác (Tsoi Yuen Kok) bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng lấn chiếm. Có diện tích hơn 35.000 mét vuông, bao gồm 52 khu nhà với 802 căn hộ. Các khu nhà ban đầu được sơn với tông màu trầm, nhưng sau đó phía Tòa nhà Y Hải (Ying Hoi) đã được đổi sang một thiết kế độc đáo và sơn thêm nhiều màu sắc rực rỡ để truyền tải phong cách và năng lượng cho Sa Đầu Giác. Kể từ năm 2020, các dãy nhà cũ hơn trong khu nhà đã được cải tạo với mặt tiền được tân trang lại bằng sơn màu tím, cam, hồng và xanh lá. Một số khu nhà được sơn màu cam nhạt với các sọc ngang màu trắng giống với phi lê cá hồi, khiến những khu nhà này có biệt danh là “Nhà Khuê Ngư”.

...Xem thêm

Vịnh Sá Đầu - Tấm gương trên đại dương

Vào những năm 1960, nơi trú ẩn bão mang tên Sa Đầu Giác là nơi người Mân Nam và những thuyền nhân khác neo đậu tàu đánh cá của họ. Tuy nhiên, khi cơn bão Wanda đổ bộ vào Hồng Kông năm 1962, hầu hết tàu đánh cá đều bị phá hủy. Vì vậy, các ngư dân đã di chuyển vào bờ và xây dựng nhà sàn, từ đó dần dần hình thành một khu đất lấn chiếm rộng lớn. Năm 1985, chính phủ tiến hành tái phát triển Sa Đầu Giác thành khu nhà ở công vùng nông thôn. Ba năm sau, những ngư dân ở vùng lấn chiếm được chuyển đến đây, do vậy những ngôi nhà sàn đã bị bỏ lại dần bị lãng quên. Trong suốt nhiều năm, Vịnh Sá Đầu như một tấm gương tự nhiên rộng lớn, phản chiếu những ngôi nhà sàn xưa cũ và những chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngày nay, đây có thể là một phần minh chứng cho khung cảnh đang phát triển qua nhiều thập kỷ mà bạn có thể chiêm nghưỡng.

...Xem thêm

Các điểm tham quan lân cận: Nhà của gia tộc họ Lạc

Được xây dựng vào năm 1930, Nhà của gia tộc họ Lạc từng là căn cứ cho quân du kích chống Nhật tiến vào Hồng Kông trong cuộc kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược. Ngoài địa thế chiến lược, gia tộc họ Lạc còn có những đóng góp to lớn trong giai đoạn này như mười một thành viên trong gia đình đã tham gia Tiểu đoàn Độc lập Hồng Kông thuộc Cột Đông Giang, một lực lượng du kích chống Nhật. Ngôi nhà của họ hiện đã được chuyển thành Nhà tưởng niệm chiến tranh chống Nhật của Sa Đầu Giác ở Hồng Kông, trưng bày triển lãm về lịch sử của Tiểu đoàn Độc lập Hồng Kông thuộc Cột Đông Giang và những đóng góp của gia đình nhà họ Lạc.

...Xem thêm

Các điểm tham quan lân cận: Phòng học Cảnh Dung

Phòng học Cảnh Dung ở làng Thượng Hà Hằng được gia tộc họ Lý xây dựng vào những năm đầu của triều đại nhà Thanh và ban đầu được thành lập như một trường tư thục dành cho học sinh trong khu vực. Sau đó nơi đây được chuyển thành trường tiểu học và đóng cửa khi nhóm học sinh cuối cùng tốt nghiệp vào mùa hè năm 1986. Phòng học Cảnh Dung được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1991.

...Xem thêm

Top 10 đặc sản của Sa Đầu Giác

Bánh củ cải chiên giòn

Bánh củ cải chiên giòn là một món ăn nhẹ của người Khách Gia được làm từ các nguyên liệu như củ cải thái nhỏ, tôm khô và gia vị. Bánh được chiên thật giòn để đạt được màu nâu vàng bắt mắt. Món ăn vặt đường phố Hồng Kông có niên đại hàng trăm năm này giống với món bánh phồng hiện đại, chỉ khác là món này dùng củ cải cắt nhỏ. Có thể nói là hiếm khi tìm thấy được món bánh củ cải chiên giòn truyền thống ở các khu vực thành thị của thành phố, nhưng khu vực Sa Đầu Giác vẫn giữ gìn vẹn nguyên được món ngon này, đây là một món ăn nhất định phải thử đối với những ai yêu thích hương vị xưa cũ.

...Xem thêm

Thịt heo phong cách người Khách Gia

Thời xưa, những phụ nữ Khách Gia đã kết hôn sẽ chuẩn bị món thịt heo vào dịp gần cuối năm để làm quà Tết cho cha mẹ và hàng xóm. Món ngon truyền thống này từ lâu đã trở thành một viên ngọc ẩm thực ẩn giấu ở Sa Đầu Giác. Nguyên liệu món ăn rất đơn giản nhưng thịt lợn được hấp trong nhiều giờ nên rất mềm, đến mức như tan chảy trong miệng. Thịt heo được thấm đều hương vị đậm đà của đậu đen lên men với những lát gừng được đặt lên trên, tạo nên một món ăn ngon tuyệt khiến bạn ăn hết bát này đến bát khác!

...Xem thêm

Bánh hàu chiên với mì

Ẩm thực Quảng Đông có rất nhiều món ăn sử dụng mì làm món ăn kèm, nhưng bạn đã bao giờ thử ăn bánh hàu cùng với mì chưa? Những con hàu to, mọng nước được bọc qua lớp bột trứng dày, nêm muối và tiêu rồi chiên trên chảo cho đến khi chín vàng đều — những chiếc bánh hàu này có hương vị đậm đà, thơm ngon và được dùng nóng cùng với mì. Một phần ăn với những miếng bánh hàu khổng lồ chắc chắn sẽ làm hài lòng những người sành ăn!

...Xem thêm

Món trứng cuộn mực nang

Không giống như những chiếc bánh mực nặn thành hình dạng chả mực thông thường, những chiếc bánh mực ở Sa Đầu Giác là món trứng tráng cuộn với mực xay nhuyễn. Hương vị tinh tế của trứng và hương vị tinh tế của mực nang là sự kết hợp hết sức hoàn hảo. Vừa mềm vừa dai, mỗi miếng bánh cuộn mực nang đều thể hiện niềm đam mê ẩm thực của người đầu bếp.

...Xem thêm

Cơm gà ngũ vị

Món ăn này được chế biến từ thịt gà thả vườn đã qua lựa chọn kỹ càng, có lớp da mỏng, nấu với rau muối kiểu Khách Gia. Thịt gà thấm đều hương vị được nêm nếm vừa vặn, mang lại hương vị thơm ngon đậm đà. Mỗi miếng thịt gà đều có lớp da bóng mịn, thịt mềm tạo nên một món ăn thơm ngon và hấp dẫn!

...Xem thêm

Bánh ngọt Sa Đầu Giác

Bánh ngọt Sa Đầu Giác có kích cỡ khá phù hợp, không quá lớn cũng không quá nhỏ và có lớp vỏ giòn, mỏng, nhiều lớp xếp chồng lên nhau hoàn hảo. Bánh sẽ giòn rụm sau mỗi lần cắn. Bánh được nhồi với nhân bí, hơi ngọt, có hương vị nhẹ nhàng cùng kết cấu dai, mềm.

...Xem thêm

Thức uống lành mạnh được làm thủ công

Ngâm chanh với mật ong là một phương pháp chữa đau họng truyền thống tại địa phương, nhưng ngày nay những loại thức uống tốt cho sức khỏe như vậy thường được bán dưới dạng đồ uống đóng chai sẵn. Ở Sa Đầu Giác, bạn có thể tìm thấy các cửa hàng cung cấp các phiên bản nhà làm của những loại đồ uống truyền thống này, chẳng hạn như chanh ngâm với mật ong, mật ong với mận hay trà hoa cúc tự pha tại nhà. Những đồ uống này còn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với sở thích, khẩu vị của bạn!

...Xem thêm

Bánh dứa kẹp thịt bò và trứng chiên, dùng kèm trà sữa đóng chai.

Với vỏ bánh giòn, ngọt và nhân bánh thơm mềm mại, bánh dứa mang lại một sự kết hợp hết sức hoàn hảo. Khi nhồi bánh bằng nhân thịt bò muối mặn và trứng chiên, sự hòa quyện giữa hương vị mặn ngọt sẽ tạo ra một trải nghiệm ẩm thực thỏa mãn vị giác, mang lại một món ăn xuất sắc cả về hương vị lẫn kết cấu. Dùng món ăn này cùng với một chai trà sữa đậm đà và tinh mịn được pha chế riêng, combo trà chiều ngon lành này chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ suốt cả ngày dài.

...Xem thêm

Burger phô mai với miếng thịt bò làm thủ công

Rất dễ để bạn có thể tìm thấy những chiếc burger siêu ngon ngay tại Sa Đầu Giác! Hãy hình dung thế này: một chiếc burger làm thủ công với lớp nhân xếp chồng thật cao, một miếng thịt mọng nước và rất nhiều lớp phủ bên trên. Mỗi lần cắn là sự kết hợp tuyệt vời giữa miếng thịt ngon ngọt mọng nước và bánh mì nướng thơm ngon, phô mai chảy một nửa cùng với rau diếp giòn. Hãy nhớ thưởng thức chiếc burger trong vòng năm phút khi bánh vẫn còn nóng hổi!

...Xem thêm

Nước đá bào của Sa Đầu Giác

Còn gì sảng khoái hơn thưởng thức một ly đồ uống đá bào trong khi đi dạo dọc các con phố ở Sa Đầu Giác vào một ngày hè nóng như thiêu đốt? Đồ uống đá bào ở Sa Đầu Giác có nhiều hương vị khác nhau, trong đó đồ uống vị sữa chua men vi sinh và các loại làm từ trái cây là những lựa chọn phổ biến nhất. Mỗi cốc đá bào sẽ được làm theo yêu cầu của khách hàng và luôn đảm bảo độ tươi mát nhất.

...Xem thêm

Top 10 hoạt động trải nghiệm văn hóa

Đền Thiên Hậu ở Thôn Liêu Hạ

Ngư dân người Mân Nam từ Triều Dương, Yết Dương và Sán Vĩ chuyển đến khu vực Sa Đầu Giác và định cư tại làng Diêm Liêu Hạ vào khoảng năm 1898. Phần lớn những người định cư này đều là những người thờ cúng Thiên Hậu. Người ta tin rằng đền Thiên Hậu ở Diêm Liêu Hạ ban đầu được xây dựng vào đầu triều đại nhà Thanh. Theo thời gian, ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu và dân làng đã chuyển đến khu dân cư Sa Đầu Giác. Diện mạo hiện tại của ngôi đền là kết quả của đợt trùng tu vào năm 1990. Tại đây, lễ tạ ơn thần linh được tổ chức 10 năm một lần, với các hoạt động truyền thống lễ hội bao gồm múa rồng và múa sư tử, lễ rước Thiên Hậu, lẩu nhiều lớp và cuộc diễu hành thuyền rồng trên đất liền độc đáo của Sa Đầu Giác, thu hút nhiều dân làng đã di cư ra nước ngoài trở về với Hồng Kông để dự lễ kỷ niệm.

...Xem thêm

Đền Thiên Hậu ở Tam Thủy Hàng

Nhiều thông tin cho rằng người Khách Gia từ Tam Hương, bao gồm sáu làng (Sơn Chủy, Sa Lan Hạ, ​​Tam Thủy Hàng, Dong Thụ Ao, Tân Thôn và Đường Đô Sơn), đã xây dựng một ngôi đền Thiên Hậu ở làng Sa Lan Hạ (nay nằm ở phố Trung Anh) vào đầu triều đại nhà Thanh. Tiếc rằng ngôi đền sau đó đã bị phá hủy nhưng bức tượng Thiên Hậu đã được cộng đồng địa phương giải cứu và chuyển đến làng Thái Nguyên Giác ở Sa Đầu Giác. Vào những năm 1990, cư dân tại Tam Hương đã cùng nhau xây dựng một ngôi chùa Thiên Hậu mới ở vị trí hiện nay. Bức tượng Thiên Hậu tôn kính từ ngôi đền cũ đã được cất giữ trong ngôi chùa mới và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

...Xem thêm

Đền Tạ Thiên ở làng Shan Tsui (Sơn Chủy)

Ngôi đền được xây dựng đầu tiên để thờ cúng Quan Đế, sau được xây dựng lại và đổi tên thành đền Tạ Thiên dưới thời vua Quang Tự của triều nhà Thanh vào năm 1894-1895. Việc tái xây dựng được các làng xung quanh cùng tài trợ, và họ cũng điều hành một khu chợ có tên là Đông Hòa ở phố Hằng Đầu ngày nay ở Sa Đầu Giác. Đền Tạ Thiên là minh chứng lịch sử cho ​​sự phát triển kinh tế của khu vực này vào cuối thế kỷ 19, và là một trong số ít ngôi đền còn sót lại gắn liền với chợ Đông Hòa. Vào đầu thế kỷ 20, ngôi đền còn được sử dụng làm trường học cho trẻ em trong làng. Vào năm 1959, ngôi đền trở thành văn phòng và lớp học của Trường công lập Sơn Chủy mới thành lập lúc bấy giờ. Ngày nay, ngôi đền đã không còn là nơi giảng dạy nữa mà đã được công nhận là di tích lịch sử vào năm 2021.

...Xem thêm
Đền Tạ Thiên hiện đang được bảo trì và tạm thời đóng cửa.

Những chú voi cát tường ở phố Thuận Hưng

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, voi là biểu tượng của sự may mắn và sung túc. Cách phát âm của con “voi”(xiàng) khá giống với cách phát âm của từ “tốt lành”(xiáng), và cách voi dùng vòi hút nước cũng tượng trưng cho sự giàu có. Ở khu nhà ở xã hội trên đường Thuận Hưng (đối diện với đồn cảnh sát phố Trung Anh), có một ngôi nhà nổi bật với những cây cột màu đỏ và mái ngói màu xanh lá cây. Trên các bức tường được điểm xuyết những viên gạch nhỏ màu vàng, và ở trên cùng là hai bức tượng rồng đang canh giữ một viên ngọc tượng trưng cho Sa Đầu Giác. Phía trước ngôi nhà cũng trưng bày đôi voi được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Có tin đồn rằng đôi voi này được một thầy phong thủy đặt ở đó để thu hút tiền tài và vận may từ thiên nhiên tại Vịnh Sa Đầu Giác (vì nước tượng trưng cho sự giàu có trong văn hóa Trung Quốc). Bạn có thể chạm vào những chú voi để cầu may mắn cho mình. Thứ tự chạm sẽ là con voi có vòi nâng lên trước để mang lại sự giàu có và tài lộc, tiếp theo chạm vào con có vòi hạ xuống để bảo vệ những điều ấy. Nhớ làm đúng thứ tự nhé!

...Xem thêm

Phố San Lau (Tân Lưu)

Vào đầu thế kỷ 19, những căn nhà phố có mái hiên kết hợp giữa kiến ​​trúc Trung Quốc và phương Tây đã xuất hiện phổ biến ở khắp tỉnh Quảng Đông. Trên phố San Lau, chúng được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và nằm trong số ít những căn nhà phố có mái hiên Quảng Đông được bảo tồn nguyên vẹn ở Hồng Kông. Tầng trệt được sử dụng làm cửa hàng, tầng hai và các gác xép thường được dùng để ở. Vào những năm 1950, phố San Lau được phát triển thành một khu chợ mới gồm các cửa hàng tạp hóa, đồng hồ, thợ kim hoàn và các cơ sở kinh doanh khác. Khi nền mậu dịch phát triển mạnh mẽ, các công trình công cộng như đồn cảnh sát, trạm xá, bưu điện và trường học cũng được xây dựng thêm. Ngày nay, con phố vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ như bước vào một đường hầm thời gian, khi nhìn thấy những tấm biển, những cánh cổng và mái hiên kim loại cũ trên phố. Vào năm 2011, toàn bộ 22 căn nhà phố có mái hiên ở đây đều được xếp hạng là công trình lịch sử cấp 2.

...Xem thêm

Diễu hành thuyền rồng trên đất liền

Cuộc diễu hành độc đáo này có nguồn gốc từ thời xa xưa khi người Mân Nam vẫn còn sinh sống trên biển. Theo phong tục đám cưới, những người họ hàng là nữ giới bên nhà chú rể sẽ chèo thuyền rồng để đón cô dâu. Thời gian trôi qua và người Mân Nam chuyển đến vùng đất liền, truyền thống này đã biến đổi trở thành cuộc diễu hành thuyền rồng trên đất liền. Mặc dù hoạt động này đã dần không còn phổ biến trong những năm qua nhưng vẫn được tổ chức trong các nghi lễ tạ ơn thần linh và đám cưới của cư dân bản địa trong khoảng thời gian kéo dài hàng chục năm. Trong cuộc diễu hành, những người phụ nữ sẽ đội những chiếc nón được trang trí rực rỡ và mặc những chiếc áo có tông màu từ xanh nhạt đến xanh đậm. Người đi đầu đánh cồng, người đi sau xếp thành đội hình ngay ngắn, mỗi người cầm mái chèo bắt chước động tác chèo thuyền. Họ sẽ hát những bài hát sôi động theo nhịp điệu, tạo nên không khí lễ hội đầy vui tươi.

...Xem thêm

Biển báo đường phố theo phong cách cố điển

Xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, biển báo đường phố hình chữ T đã không còn được sử dụng sau những năm 1960. Hiện tại, chỉ còn lại chưa đến 80 biển báo đường phốkiểu này ở Hồng Kông. Hầu hết các biển báo cũ đều được gắn trên các bức tường của các tòa nhà chung cư cũ, và có thể tìm thấy chúng trên khắp 8 quận và hơn 60 đường phố. Sa Đầu Giác hiện đang bảo tồn ba loại biển báo có tên là: phố San Lau (Tân Lưu), phố Car Park (Đậu Xe) và Yim Liu Ha (Diêm Liêu Hạ). Ngoài hình dáng độc đáo, các biển báo này còn khác với các biển báo hiện đại ở chỗ phải đọc từ phải sang trái. Một điều thú vị khác là tên tiếng Anh của Phố Che Ping (Xa Bình) trên bảng hiệu mới được viết ngược với phiên âm hiện đại, so với cái tên “Phố Car Park (Đậu Xe)” trên bảng hiệu cũ. Những khác biệt nhỏ này phần nào hé lộ cho chúng ta thấy những thay đổi lịch sử của Sa Đầu Giác qua nhiều năm tháng. Khi ghé thăm Sa Đầu Giác, sao bạn không thử tìm kiếm những tấm biển cổ xưa đầy hoài niệm này — thậm chí, bạn còn có thể tìm thấy một vài biển báo cũ kế bên những tấm biển hiện đại ở vài nơi trong thành phố!

...Xem thêm

Thưởng thức bánh gạo

Cứ mỗi khi đến đêm giao thừa tại Trung Quốc, phụ nữ người Mân Nam ở Sa Đầu Giác lại đốt bếp củi để làm bánh gạo truyền thống. Những chiếc bánh thơm ngon giòn rụm này cần rất nhiều công sức để thực hiện. Đầu tiên, chúng ta cần đun sôi đường với nước cho đến khi đường đặc sệt lại và chuyển sang màu vàng đậm. Sau đó, thêm miến đã chiên sẵn, đậu phộng và vừng vào, trộn đều với tốc độ thật nhanh. Đặt hỗn hợp lên một tấm gỗ, dùng chai thủy tinh cán dẹt thành hình và cắt thành từng miếng. Mỗi công đoạn đòi hỏi sức mạnh đáng kể từ người thực hiện. Bánh gạo mới ra lò không chỉ giòn, thơm ngon mà còn là di sản ẩm thực của người Mân Nam.

...Xem thêm

Thưởng thức Bánh Cha Kwo (Trà Quả)

Trước đây, người dân tộc Khách Gia sẽ hái lá non của dây mơ leo (cây kê thỉ đằng của Trung Quốc) vào lễ Thanh Minh. Lá sẽ được nghiền và trộn với bột gạo nếp và bột gạo, sau đó thêm đậu phộng rang cắt nhỏ và xi-rô vào hỗn hợp để tạo thành bột nhão. Bột sau đó sẽ được nhào thành những viên nhỏ và cho vào nồi hấp có lót lá đến khi chín. Đây là cách làm bánh Cha Kwo (trà quả), hay bánh gạo nếp. Không chỉ là món ăn nhẹ truyền thống của người Khách Gia, loại bánh này còn được dùng để thờ cúng thần linh. Ngày nay, một số người dân ở Sa Đầu Giác vẫn làm món bánh này trong các dịp lễ hội. Hãy thử cảm nhận hương vị thơm ngon từ di sản ẩm thực của người Khách Gia bạn nhé!

...Xem thêm

“Cá điều ước”

Sa Đầu Giác từng là một làng chài, vậy nên hãy thử gửi gắm điều ước của mình cho biển cả thiêng liêng tại nơi này. Nhận một chú “cá điều ước” từ máy bán đồ lưu niệm tự phục vụ tại cổng vào Cầu tàu Sa Đầu Giác, bạn hãy viết những mong ước của mình lên đó và treo lên dãy lan can ở cầu tàu. Những chú cá sẽ chuyển điều ước của bạn đến với biển cả!

...Xem thêm

Tất cả hình ảnh đã được Bộ An ninh cho phép sử dụng

Phương tiện di chuyển

Đi đến Sa Đầu Giác

Sau khi nộp đơn xin Giấy phép Du lịch tại Vùng biên giới cấm, du khách tự túc phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến Sa Đầu Giác và KHÔNG được phép tự lái xe tới đây. Bạn có thể:
  1. Bắt chuyến xe buýt 78S (di chuyển tốc hành) từ Ga MTR Thượng Thủy (Sheung Shui), hoặc xe buýt 78K từ Ga MTR Thượng Thủy (Sheung Shui)/Phấn Lĩnh (Fanling); hoặc
  2. Bắt chuyến xe buýt mini 55K từ Ga MTR Thượng Thủy và xuống tại bến cuối; hoặc
  3. Bắt chuyến xe buýt 277A từ Ga MTR Lâm Thiên (Lam Tin).
Một số tuyến xe buýt trên chỉ chạy vào những khung giờ nhất định. Nhấp vào đây để biết thêm các thông báo giao thông từ Sở Giao thông, nơi cung cấp nội dung chi tiết về các phương tiện giao thông công cộng trong giai đoạn mở cửa thứ hai của Sa Đầu Giác. Nhấp vào đây để biết thêm thông tin mới nhất về các dịch vụ xe buýt đến và rời Sa Đầu Giác.

Đi đến Sa Đầu Giác

Sau khi nộp đơn xin Giấy phép Du lịch tại Vùng biên giới cấm, du khách tự túc phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến Sa Đầu Giác và KHÔNG được phép tự lái xe tới đây. Bạn có thể:
  1. Bắt chuyến xe buýt 78S (di chuyển tốc hành) từ Ga MTR Thượng Thủy (Sheung Shui), hoặc xe buýt 78K từ Ga MTR Thượng Thủy (Sheung Shui)/Phấn Lĩnh (Fanling); hoặc
  2. Bắt chuyến xe buýt mini 55K từ Ga MTR Thượng Thủy và xuống tại bến cuối; hoặc
  3. Bắt chuyến xe buýt 277A từ Ga MTR Lâm Thiên (Lam Tin).
Một số tuyến xe buýt trên chỉ chạy vào những khung giờ nhất định. Nhấp vào đây để biết thêm các thông báo giao thông từ Sở Giao thông, nơi cung cấp nội dung chi tiết về các phương tiện giao thông công cộng trong giai đoạn mở cửa thứ hai của Sa Đầu Giác. Nhấp vào đây để biết thêm thông tin mới nhất về các dịch vụ xe buýt đến và rời Sa Đầu Giác.

We use cookies to ensure that we give you the best experience on our website, to understand your interests and provide personalized content to you as further set out in our Cookie Policy here. If you accept the use of cookies on our website, please indicate your acceptance by clicking the "I accept" button. You may manage your cookies settings at any time.